Lê Huy Quang

Nhà thơ, Nhà báo, Hoạ sỹ, Nghệ sĩ nhân dân

Nhớ một nhà thơ xứ Huế

Lê Huy Quang

NHỚ MỘT NHÀ THƠ XỨ HUẾ

Đọc tiểu thuyết Vượt Côn Đảo ngày còn niên thiếu. Ngoài tuổi hai mươi, gặp nhà thơ Phùng Quán. Anh hơn tôi trên cả chục tuổi nhưng bao giờ cũng coi tôi là bạn. Người bạn “vong niên – Thơ”. Đó là những thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Ngày ấy tôi còn trẻ, không vợ con, tha hồ bay nhẩy. Chỉ có vẽ, làm thơ, rồi uống rượu với mấy bạn hữu đầy vui và buồn. Từ năm 1960 đến 1978, nhà thơ Phùng Quán ở với bà mẹ nuôi ở trên Tây Hồ ( Nghi Tàm). Lúc đó, nhà thơ Phùng Quán là cán bộ Cục Văn hóa quần chúng, nên anh làm việc, ăn ở trong một cái buồng hình ống chỉ rộng hơn một mét, dài bốn mét, mà chúng tôi hay gọi đùa là “Quan tài bay”. Tôi và anh suốt ngày chui vào chui ra ở cái ngõ Lê văn Hưu đó. Năm 1981, vợ anh, chị Vũ Bội Trâm là giáo viên trường Cấp 3 Chu Văn An, nên được phân một căn hộ tập thể cấp 4 ở sau trường. Vậy là nhà thơ Phùng Quán lại trở về với sông nước – Chòi ngắm sóng Hồ Tây nghèo nghèo mà rất vui lại ra đời. Chúng tôi lại làm thơ, lại vẽ, lại câu cá, uống rượu. Sau này, có một bài viết về nhà thơ Phùng Quán đăng trên báo Người Hà Nội, nói rằng Phùng Quán nhận là cả đời mình nằm trong sáu chữ : Rượu chịu – Cá trộm – Văn chui. Tất nhiên, là vì “dân Huế”, nên nhà thơ đã “cường điệu” và “nói trạng” cho vui. Bởi, Rượu chịu thì chúng tôi ghi sổ nợ một bà cụ nấu rượu ở Nghi Tàm (mỗi lít có dăm ba đồng), vài lít mới trả thành một khoản cho cụ. Cá trộm thì ngay ở Hồ Tây, lúc nào thích nhắm rượu và đãi bạn thì nhà thơ câu lên một đôi con cá (Phùng Quán là người câu cá rất giỏi). Còn Văn chui thì quả là nhiều. Tấu, thơ, trường ca, truyện ngắn. truyện tranh, cả tiểu thuyết… lúc thì ký tên người thân trong nhà, lúc thì tên bạn hữu. Chuyện con cò vàng trong cổ tích đã đoạt giải nhất tại một cuộc thi do Liên Xô tổ chức, với một chiếc xe đạp đua (năm 1970- mà lúc đó là niềm khát khao, mơ ước của thanh niên VN). Mãi đến sau này, nhà thơ cho đến lúc đi xa, vẫn còn dài dài gắn bó, bởi anh coi đó là một kỷ niệm về văn chương của đời mình! Tuy nhiên, sáu chữ trên vẫn là cách nói vui của nhà thơ Phùng Quán. Bởi, Phùng Quán là một người lao động cật lực và đầy nhân ái, suốt gần 30 năm cùng đi bên anh, tôi chưa hề thấy nhà thơ Phùng Quán kêu ca bất cứ một điều gì. Anh quan niệm một cách tự nhiên, thật lòng, là trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ lấy nhân cách làm người và nhân cách một nhà thơ. Có những phút sao mà kinh hãi thế/ Đến cả Thơ cũng không ấm được nỗi lòng/ Đến cả rượu cũng không vơi đắng cay, phiền muội/ Và cả mắt người yêu không dịu bớt cô đơn. Nhưng anh vẫn tự nhủ mình- Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!

Cho đến hôm nay, nhà thơ Phùng Quán là một trong số các nhà thơ đương đại được ghi vào dấu ấn lịch sử văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ hai mươi ( mà một tin vui lớn, Phùng Quán đã được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2005- 2006 này, cùng với các nhà thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt). Từ Võ Thị Sáu, 5 anh hùng Xêva Tôpôn, đến Lời mẹ dặn, Chống tham ô lãng phí (Thơ), rồi Vượt Côn Đảo ( Tiểu thuyết), ĐêmNghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Trường ca cây cà, Nguyễn Văn Trỗi, rồi Tiểu thuyết bằng thơ 13 chương Trăng hoàng cung, đặc biệt, bộ tiểu thuyết hơn nghìn trang Tuổi thơ dữ dội- xuất hiện 32 năm sau sự kiện “ Nhân văn” đã được tái bản đến lần thứ chín (Giải thưởng Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh, Bộ Quốc phòng – đã chuyển thành phim truyện cùng tên ) …

Phùng Quán ( 1932- 1995), ra đi vào đúng độ tuổi mà anh đã tự mình trải nghiệm ra nhiều điều về cuộc sống, để bắt đầu có thể ngẫm ngợi và ghi chép lại ( Tập ký Ba phút sự thật mới được ra mắt là một ví dụ ).Tài năng nhà thơ cũng như các tác phẩm (thơ và văn xuôi) của anh được đánh giá và tồn tại đến đâu là công việc của thời gian. Nhưng người thân, bạn hữu của nhà thơ Phùng Quán – từ trong nước đến ngoài nước, từ trong hay ngoài giới văn nghệ… tất cả đều yêu quý và kính trọng nhân cách sống, nhân cách làm người, nhân cách nghệ sĩ- chiến sĩ của nhà thơ Phùng Quán – Chén đắng cay rót rồi nên uống cạn/ Không được sẻ cho ai cũng không thể để dành. Từ một chú bé trinh sát xa mẹ, xa quê năm 14 tuổi – suốt 50 năm cùng đi với nhân dân- Rượu quê ta uống tràn. Đất quê mình cúi tạ – nhà thơ Phùng Quán đã rời xa cõi đời này thật thanh thản, trong sạch – với một tấm lòng Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác. Đã trên mười mùa xuân trôi qua, nhưng giới văn nghệ đất Thăng Long với một nghìn năm tuổi, vẫn luôn nhớ đến anh, một nhà thơ của cố đô xứ Huế..

Hà Nội, vào đông 2006
L.H.Q