Lê Huy Quang

Nhà thơ, Nhà báo, Hoạ sỹ, Nghệ sĩ nhân dân

Mang chuông đi đánh xứ người

Góc nhìn Nghệ sĩ

MANG CHUÔNG ĐI ĐẾN XỨ NGƯỜI…

Tại thời điểm này, Việt Nam đã bước sang mùa hè; nhưng một chương trình nghệ thuật có tên gọi Liên hoan Mùa xuân nước Pháp đã được tổ chức tại Hà Nội, với thời gian kéo dài trên một tháng ( từ 12/5 đến 30/6/2007). Đây là lần đầu tiên, Đại sứ quán Pháp có sáng kiến tổ chức một sân chơi lớn, tổng hợp các loại hình nghệ thuật đương đại như: nghệ thuật thị giác, điện ảnh, trình diễn thời trang, kịch, desigr, múa, cùng nhiều hoạt động phong phú khác. Được biết, trong khi đó, các nghệ sĩ của Thủ đô Hà Nội trong chương trình tiến tới Kỷ niệm Thăng Long ngàn năm văn hiến; lại đang khẩn trương chuẩn bị một chương trình nghệ thuật sân khấu dân tộc có tên gọi Dấu xưa Hà Nội; để tham dự Những ngày Văn hoá Hà Nội tại Toulouse”- Cộng hoà Pháp. Với sự tham gia của gần 30 nghệ sĩ Hà Nội ( Nhà hát Chèo, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, và nhóm người mẫu, thời trang); đây là một chương trình “đặc sản” hoàn toàn mang phong cách riêng của người Hà Nội. Bước đầu, một số tiết mục đã được tuyển chọn để dàn dựng, và tổng duyệt như Thăng Long 36 phố phường (hát xẩm), Đào Hồng Đào Tuyết ( ca trù), Sắc thắm Nhật Tân ( múa), Hà Nội- một trái tim hồng (đơn ca), Trở về Normandi (độc tấu đàn bầu), Nhịp trống Thăng Long ( biểu diễn trống hội), Từ Thức gặp tiên ( trích đoạn chèo), và cuối cùng là màn trình diễn thời trang áo dài truyền thống…
Như chúng ta đã biết, những năm vừa qua, những ngày văn hoá Việt Nam ở nước ngoài vẫn được tổ chức thường xuyên; và đã tạo ra những hiệu quả nhất định, trong việc giới thiệu văn hoá, nghệ thuật, con người, đất nước… Việt Nam với bè bạn thế giới. Tuy nhiên, dư luận chung vẫn cho rằng, các chương trình của ta vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lặp nhau về ý tưởng, về dàn dựng, biểu diễn…cho nên không thật sự cuốn hút khán giả nước ngoài về nghệ thuật. Hy vọng rằng, lần này, các nghệ sĩ của Hà nội, mang chuông đi đến xứ người, sẽ gặt hái được nhiều thành công!