Lê Huy Quang

Nhà thơ, Nhà báo, Hoạ sỹ, Nghệ sĩ nhân dân

Ngôi sao Tuồng Bắc Bạch Trà

Lê Huy Quang

NGÔI SAO TUỒNG BẮC BẠCH TRÀ

Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Trà, ngôi sao lớn trên bầu trời Tuồng Bắc, qua đời vào tuổi 85, cách đây đúng 10 năm ( 1912-1997)- với cả cuộc đời sân khấu đầy vinh quang và cay đắng, cả nụ cười và không biết bao nhiêu là nước mắt. Sinh thời, trong cuộc sống riêng tư của mình, Bạch Trà không phải là người được hưởng trọn vẹn niềm vui hạnh phúc gia đình, nhưng niềm vui lớn lao nhất của người nghệ sĩ ấy chính là những vai diễn bất tử của mình, chính là sự quây quần, đoàn tụ, săn sóc trông nom của đàn đàn con cháu, các thế hệ nghệ sĩ trẻ là học trò của bà. Có lẽ, đó là những người gần gũi nhất, thấu hiểu được nỗi cô đơn, niềm đam mê cũng như niềm vui bất tận của nghệ sĩ Bạch Trà- người thầy, người mẹ, người bà, suốt đời sống mãi trong trái tim của các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam- và cũng chính họ, đã thấu hiểu nhất cả thời thơ ấu mà nghệ sĩ Bạch Trà đã trải qua.

Cách đây ngót một trăm năm, ở vùng đồng chiêm trũng Kim Thanh, Phủ Lý, có một nhà nho nghèo sống bằng nghề “gõ đầu trẻ”. Ông thầy đồ hiền lành, phúc hậu, nổi tiếng một vùng quê nên học trò nhập học rất đông, nhưng ông lại không lấy tiền bất cứ một học trò nhỏ nào.Trong cuộc đời đầy khó khăn, thử thách, thiếu thốn gian nan ấy, ông thầy đồ lấy cuộc sống thanh đạm nhưng đầy tình thương làm niềm hạnh phúc cho cả đời mình. Nhà nho nghèo đạo cao đức trọng ấy, chính là Nguyễn Ngọc Liễn, ông thân sinh ra cô bé xinh đẹp- cô đào Mấn- sau này chính là NSND Bạch Trà, mà tên tuổi lẫy lừng suốt vùng quê đồng bằng Bắc Bộ; từ Nam Hà, Phủ Lý, Hà Đông, Thái Nguyên đến vùng quan họ Kinh Bắc và Kinh thành Văn hoá Thăng Long.

Khi vừa đầy tuổi tôi, Bạch Trà đã được mẹ, bà Đào Thị Ngấn; một diễn viên chèo xinh đẹp, khi đi hát thường ẵm ngửa con lang bạt xa gia đình, quê hương, làng xóm trong một gánh hát chèo. Chính nỗi gian truân từ thuở lọt lòng ấy, chính từ bầu vú sữa mẹ và giọng hát chèo ngọt ngào say đắm từ trong trái tim người mẹ, đã lặng lẽ thấm sâu vào tâm hồn Bạch Trà và dẫn dắt Bạch Trà bước đi trên con đường đầy chông gai, nước mắt của sân khấu, để trở thành một nghệ sĩ thật sự tài năng.

Những năm đầu thế kỷ XX, giọng hát chèo mượt mà, sâu lắng đã đưa bà Đào Thị Ngấn lên đất Thăng Long phồn hoa đô hội. Nhưng rồi, cũng như nhiều gánh hát và các nghệ sĩ lang thang ngày xa xưa ấy, cô Đào Thị Ngấn ngày càng lâm vào cảnh nghiện hút quá nặng. Cuộc sống trở nên sa sút. Tiền ăn chẳng đủ, thì lấy đâu ra tiền để nướng vào ngọn lửa bàn đèn. Thế là năm lên 8 tuổi, Bạch Trà đã phải đi ở cho nhà Tây, làm cô bé hầu rượu, đi theo gánh xiếc kiếm thêm tiền ăn và cả đỡ đần cho mẹ. Hai năm sau, vừa 10 tuổi, khi đi theo gánh hát của mẹ xuống Hải Phòng, Bạch Trà được một người cậu ( em bà Đào Thị Ngấn), đưa đi theo gánh hát tuồng của mình. Và rồi từ đó, Bạch Trà đã trở thành một nghệ sĩ thực thụ- Bạch Trà vừa diễn chèo, vừa diễn tuồng, và diễn cả cải lương. Cuộc đời sân khấu mở ra đầy rực rỡ, khát vọng trước mắt người nghệ sĩ trẻ ấy…

Cho đến mùa thu cách mạng tháng 8/1945, rồi Toàn quốc Kháng chiến 1946 bùng nổ, cuộc đời, sự nghiệp của nghệ sĩ Bạch Trà mới thực sự vinh quang. Bà mang tiếng hát lời ca của mình lưu diễn khắp đồng bằng Bắc Bộ cho đến Thái Nguyên. Năm 1952, Bạch Trà sáng lập Đoàn Ca kịch Quyết Thắng ở Bắc Giang. Năm 1953, bà lập Đoàn Cải lương Quyết Tiến ở Thái Nguyên, và rồi, một vinh dự lớn đã đến với người nghệ sĩ, cùng năm ấy, Bạch Trà được cử đi tham dự Đại hội Liên hoan Sinh viên, Thanh niên, thế giới lần thứ IV tại Ru-ma-ni; và đó cũng là lần đầu tiên, những lời ca, điệu hát của Việt Nam vang xa ra ngoài biên giới. Năm 1959, nghệ sĩ Bạch Trà cùng chồng là nghệ sĩ Quang Tốn, và một số nghệ sĩ tuồng được Bộ Văn hoá giao nhiệm vụ thành lập Đoàn Tuồng Bắc, tiền thân của Nhà hát Tuồng Trung ương sau này. Từ đó, Nghệ sĩ Bạch Trà đã sáng tạo và biểu diễn hàng trăm vai diễn trên sân khấu tuồng Việt Nam- Từ đào thương, đào võ, đến cả các loại kép, từ truyền thống, dân gian, đến cận đại , hiện đại. Trong hàng trăm vai diễn rực rỡ của mình, Bạch Trà đã để lại trong lòng khán giả và giới nghệ sĩ Hà Nội, bao nhiêu niềm quý trọng, yêu mến một nghệ sĩ lớn tài hoa. một ngôi sao lớn trên bầu trời Tuồng Bắc!
Trong suốt 80 năm gắn bó với đôi cánh gà sân khấu, NSND Bạch Trà và NSND Quang Tốn, cùng các lão nghệ sĩ nổi tiếng khác , đã đào tạo 7 thế hệ học trò xuất sắc cho cả ngành Tuồng Bắc Việt Nam, cùng hàng loạt các tài năng trẻ xuất sắc. Bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, huân chương Lao động, và nhiều huy chương Vàng , Bạc tại các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Vào mùa xuân 2007 này, Kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh NSND Bạch Trà, Nhà hát Tuồng Trung ương cũng vừa tròn 58 tuổi. Chắc chắn, các thế hệ học trò và các nghệ sĩ Tuồng Bắc lại nhắc đến tên tuổi của Bạch Trà, người thầy, người mẹ, người bà- ngôi sao lớn của nền sân khấu cách mạng Việt Nam -với tất cả tình cảm yêu mến và quý trọng nhất!