Lê Huy Quang

Nhà thơ, Nhà báo, Hoạ sỹ, Nghệ sĩ nhân dân

Xuân Huyền – Lao động và lao động mãi

Lê Huy Quang

XUÂN HUYỀN- LAO ĐỘNG VÀ LAO ĐỘNG MÃI

Đạo diễn Xuân Huyền đưa tôi xem nhiều cuốn sổ tay, trong đó ghi chép về những suy nghĩ, tìm tòi, trăn trở, băn khoăn, ý tưởng trong công việc dàn dựng và giảng dậy của anh trong nhiều năm qua, trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Chào đời và lớn lên tại Thanh Chương – mảnh đất vào loại nghèo nhất của vùng quê địa linh nhân kiệt Nghệ An- tròn 17 tuổi; Xuân Huyền đã khăn gói ra kinh thành Thăng Long- Hà Nội, theo học khoá đầu tiên, Trường nghệ thuật sân khấu Việt Nam (1959- 1963). Tốt nghiệp, rồi sau một thời gian gắn bó với nghệ thuật Tuồng truyền thống, năm 1971, Xuân Huyền được cử đi học đạo diễn tại Liên Xô và trở về nước năm 1977. Từ đó đến nay, suốt 30 năm qua, gắn bó với hai cánh màn sân khấu trong cả nước; đạo diễn Xuân Huyền đã dàn dựng hàng trăm vở diễn cho các đoàn nghệ thuật, với đủ các loại hình sân khấu- Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, Dân ca. Ngoài ra, là một giảng viên của Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh, cũng trong khoảng thời gian đó, Xuân Huyền đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc, mà trong số họ, không ít người đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu NSND, NSƯT- hiện đang là các gương mặt sáng giá trong nghệ thuật biểu diễn, cũng như trong công tác quản lý các đơn vị sân khấu cả nước…

Nhớ lại năm 1980, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp được tổ chức. Đây là lần đầu tiên, sau ngày thống nhất đất nước ( 30/4/1975), một Hội diễn lớn với quy mô toàn quốc đã được triển khai, đúng vào thời điểm sân khấu đang trong thời kỳ hoàng kim, với sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng nhất của cả hai miền Nam-Bắc. Vừa tốt nghiệp về nước, đang ở độ tuổi sung sức, mang trong mình nhiều khát khao sáng tạo; Xuân Huyền đã trình làng giới sân khấu cả nước bằng vở diễn đầu tay Gió và bụi ( tác giả Hoàng Yến) của Đoàn Cải lương Sông Hàn- Đà Nẵng, một trong những đơn vị nghệ thuật rất nổi tiếng từ trước ngày giải phóng; tại Hội diễn đợt II ở Hải Phòng ( tháng 5/1980). Đó là một vở diễn hoành tráng với sân khấu ước lệ, tượng trưng, rực rỡ và cuốn hút bằng một thủ pháp đạo diễn sáng tạo, mới mẻ, độc đáo và nồng nhiệt, đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả cả trong và ngoài giới sân khấu. Từ một câu chuyện kịch nói về tuổi trẻ Đà Nẵng đi xây dựng đập nước Phú Ninh- một đề tài thuỷ lợi có vẻ như khô khan, nhàm chán- nhưng dưới bàn tay dàn dựng của Xuân Huyền; tiết tấu vở diễn lại đầy sôi động và hết sức gợi cảm. Chạy ngang suốt sân khấu là một bục dài, cao tới 2 mét, tượng trưng cho một đập nước; với màu ghi đá khô lạnh nhưng lại không đơn điệu. Toàn bộ không gian vở diễn được xử lý trên đó: cảnh đông đảo công nhân lao động hối hả, khẩn trương; cảnh đấu tranh giằng xé dữ dội giữa lớp thanh niên tích cực và bọn xấu ích kỷ, lười biếng. Đặc biệt, cảnh tình yêu của đôi nam nữ thanh niên được diễn tả thật đẹp- bằng thủ pháp cách điệu, tượng trưng của sân khấu tuồng truyền thống- dưới ánh sáng của quả cầu gương dọi sáng lung linh cả phòng khán giả; cũng như cảnh xử lý nghệ thuật biểu diễn với trang trí, âm nhạc khi có bão ập đến – tất cả đều chuyển động cùng các khối đá ngăn dòng thác lũ- vừa bạo liệt, nhưng cũng lại rất lãng mạn, trữ tình. Gió và bụi đã đoạt Huy chương Bạc của Hội diễn, và cũng là tấm giấy thông hành khẳng định tài năng của đạo diễn Xuân Huyền, để anh bắt đầu một sự nghiệp sáng tạo sân khấu của của mình trong suốt 30 năm qua. Càng lao động nghệ thuật, Xuân Huyền càng khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp và một phong cách độc đáo của anh- đó là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa các thủ pháp nghệ thuật tuồng truyền thống của ông cha, với nghệ thuật kịch tâm lý hiện đại mà anh tiếp thu được của thế giới sau khi du học trở về. Nhất là chỉ sau đó một thời gian, Xuân Huyền đã dàn dựng liên tục một số vở diễn cho hai đoàn Cải lương, Kịch nói Hải Phòng và năm 1982, tỉnh Nghệ An đã mời Xuân Huyền vào dàn dựng ba vở cho cả ba đoàn: kịch nói (Ôtenlô của Sếcxpia), chèo ( Vòng phấn Káp Ka của Bectôn Brét), cải lương( Tiếng hát tình yêu- một vở diễn hiện đại của Vũ Minh- Ngọc Thụ); thì tên tuổi của đạo diễn Xuân Huyền đã nổi tiếng trong giới sân khấu cả nước. Năm đó, anh vừa tròn 40 tuổi, tuổi sung sức của sáng tạo. Xuân Huyền tâm sự- Sân khấu của tôi, không bao giờ chỉ là trò chơi, trò giải trí, hoặc chỉ là mua vui đơn thuần; mà qua mấy chục mét vuông sàn diễn, tôi muốn mang đến cho cuộc đời những niềm vui, nỗi buồn, cũng như những khát vọng chân chính của con người. Cũng cần nói thêm một nét chấm phá tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng lại rất quan trọng với nghề nghiệp đạo diễn sân khấu của riêng Xuân Huyền- Đó là ngoài sự gắn bó với hội hoạ, âm nhạc, thì Xuân Huyền còn rất say mê thơ ca- và chính từ ba loại hình nghệ thuật, như ba cái chân kiềng này; Xuân Huyền đã tạo ra cho sân khấu của mình những vở diễn có phong cách riêng biệt, độc đáo; không thể lẫn vào bất kỳ một đạo diễn nào- vừa bạo liệt, vừa dữ dội, vừa bi và hài, nhưng cũng lại rất nên thơ, lãng mạn, trữ tình, bay bổng; mà trong đó, nghệ thuật biểu diễn sống động của diễn viên luôn được anh coi trọng, đặt lên hàng đầu trong tư duy sáng tạo của mình. Chính Xuân Huyền đã tạo nên niềm khát vọng cho người diễn viên, và thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình, đam mê với nghệ thuật sân khấu của họ. Bởi vì, ngọn lửa đam mê ấy là yếu tố đầu tiên tạo nên sự thành công của một vở diễn…

Tuổi Nhâm Ngọ ( sinh năm 1942), với tính cách một người dân xứ Nghệ thẳng thắn, ăn sóng nói gió, không bao giờ chịu hạ mình luồn cúi trong cuộc sống cũng như trong công việc; Xuân Huyền đang ở vào độ tuổi đã có thể bình thản để nhìn lại một chặng đường lao động nghệ thuật của mình. Có vui và buồn; có cả những tìm tòi, thử nghiệm, thất bại và thành công; những nụ cười và cả những giọt nước mắt đã gắn bó với hai cánh màn sân khấu dân tộc ngót 50 năm qua; nhưng như tâm niệm của Xuân Huyền- Sinh nghề, tử nghiệp- trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, người nghệ sĩ cũng phải thuỷ chung với nghiệp tổ sân khấu, để tiếp tục lao động và lao động mãi cho đời. Hiện nay, anh vẫn đang bận rộn với công việc dàn dựng cho nhiều đơn vị nghệ thuật; cũng như chủ nhiệm một lớp đạo diễn của Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội; và Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân mà Nhà nước vừa trao tặng- chính là phần thưởng cao quý- để khẳng định một tài năng, một nhân cách đạo diễn của Xuân Huyền.