Góc nhìn Văn hoá
VUI BUỒN – XÃ HỘI HÓA …
Một thực trạng đáng buồn, nhưng chúng ta vẫn phải dũng cảm chấp nhận, là bóng đá VN đang lúc thăng trầm (đã đứng dưới 150, bảng xếp hạng thế giới). Một nửa nghiệp dư, một nửa chuyên nghiệp. Khi thì các cầu thủ đá như lên đồng, thăng hoa làm nức lòng người hâm mộ. Lúc thì lại vật vờ, tan tác, làm buồn lòng các Fan cả nước. Rõ ràng, việc xã hội hoá để từng bước đưa bóng đá VN vào quỹ đạo chuyên nghiệp, thực sự là một công việc thiết thực, cấp bách, mặc dù còn nhiều nan giải và chồng chất khó khăn… Người ta vẫn nói, bóng đá là nghệ thuật, là một nét đẹp văn hoá quốc gia, vì thế, bóng đá tụt hậu, cũng làm cho niềm tự hào dân tộc, vị trí trên trường quốc tế của VN ta giảm sút, cũng là điều đương nhiên. Giống như bóng đá, hiện nay, nhất là sau khi VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, thì điện ảnh, sân khấu và một số loại hình văn hoá, nghệ thuật khác nữa, việc xã hội hoá là vô cùng cấp bách, và không thể có con đường nào khác. Bởi, đó chính là xu thế mở, để chúng ta hoà nhập vào sân chơi chung của cả thế giới đương đại, mà nếu không bằng thực lực, bằng tài năng, bằng bản sắc dân tộc, chúng ta sẽ không có một chỗ đứng đích thực trong trái tim, trong tâm hồn, trong bảng xếp hạng chung về văn hoá, nghệ thuật, thể thao của toàn nhân loại. Tất nhiên, xã hội hoá, không có nghĩa là mạnh ai nấy lo, nhà nước buông xuôi không quản lý; mà đó chính là sự kết hợp hài hoà giữa mô hình Nhà nước và Nhân dân cùng làm, để đạt được những hiệu quả cao nhất. Và như thế, xã hội hoá, niềm vui, nỗi buồn; vẫn đang là một thách thức trước mắt chúng ta!