Góc nhìn Văn hoá
VĂN HÓA GIA ĐÌNH
Vào cuối tháng 9/2007, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trên 900 đại biểu, đại diện cho hơn 13 triệu gia đình văn hoá trong cả nước cả nước đã về dự Hội nghị Tuyên dương gia đình Văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất; do Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch tổ chức. Đây là một cuộc tụ hội hết sức cần thiết, đúng lúc, kịp thời; trong thời điểm công cuộc đổi mới của đất nước đang đi vào giai đoạn quyết liệt, trước những vận hội và thách thức mới- sau một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Chúng ta đều biết, gia đình là tế bào, là rường cột của xã hội; và rõ ràng, một quốc gia không thể thực sự lớn mạnh; khi nếp sống trong mỗi gia đình không được tuân thủ những nguyên tắc văn hóa; mà trong đó, mỗi con người đều bình đẳng trước pháp luật nhưng lại nằm trong một tôn ti trật tự bền vững- kính trên nhường dưới, có trước có sau- của mối quan hệ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái, nội tộc và ngoại tộc; hoà thuận, đùm bọc, thương yêu, quan tâm săn sóc và đầm ấm. Chính từ sự bền vững đó của mỗi gia đình, chúng ta mới tạo ra được mối quan hệ bền vững của tình làng, nghĩa xóm với nhau trong tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn, đói no hoạn nạn, khó khăn mất mát, nỗi buồn và niềm vui… để cùng nhau cảm thông từ nụ cười vui đến giọt nước mắt chia sẻ. Bởi, nếu không, sự xuất hiện thói vô cảm trong cuộc sống thời hiện đại của cơ chế thị trường; sẽ làm cho tâm hồn con người khô héo, cằn cỗi, âm u, nguội lạnh- chỉ còn lại sự sòng phẳng lạnh lùng của quan hệ làm ăn, đánh quả, cái gì cũng chỉ có tiền, tiền và chỉ tiền mà thôi. Được biết, cả nước ta hiện có hơn 13 triệu hộ đã được công nhận là gia đình văn hoá ( chiếm tỉ lệ trên 70% tổng số hội gia đình cả nước); chắc chắn, sau đại hội toàn quốc lần thứ nhất này, mỗi người chúng ta sẽ cố gắng tạo ra một nếp sống văn hoá mới của thời hội nhập; để cùng nhau đưa đất nước Việt Nam thoát cảnh đói nghèo dai dẳng, vững bước tiến lên một cách mạnh mẽ, tự tin để hướng tới tương lai!