Lê Huy Quang

Nhà thơ, Nhà báo, Hoạ sỹ, Nghệ sĩ nhân dân

Sân khấu và người lính trong tôi

Lê Huy Quang

SÂN KHẤU VÀ NGƯỜI LÍNH TRONG TÔI

Đã trên nửa thế kỷ trôi qua trong suốt chiều dài lịch sử, kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954. Cùng với cả dân tộc, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trở thành một biểu tượng tiêu biểu cho ý chí “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Cũng 30 năm đã trôi qua, với tư cách là một hoạ sĩ đã cộng tác với các đoàn Nghệ thuật quân đội, tôi sẽ chỉ góp một vài suy nghĩ nhỏ của riêng mình về sân khấu và người lính, bởi đó là bài ca mãi mãi trong ký ức của tôi.

Thời gian vẫn cứ thế trôi qua, tự nhiên và bình thản, nhưng thời gian vẫn còn làm đọng mãi trong tôi những tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Bởi qua mỗi tác phẩm đó, càng ngày tôi càng hiểu hơn về người lính, hiểu hơn về các thế hệ cha anh từ thời chống Pháp; những bè bạn của mình cùng thế hệ chống Mỹ; và nhất là những người lính trẻ hôm nay, hiểu hơn về cái sống và cái chết, cái anh hùng, cao thượng và thấp hèn, cả những ước mơ thầm kín, bé nhỏ, giản dị và cuộc đời thường nhật của họ, trong một đời sống “hiện đại” ầm ã, xô bồ, náo nhiệt của thời buổi kinh tế thị trường hôm nay. Càng ngày, tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn về phẩm chất người lính qua những vở diễn mà mình đã tham gia cộng tác với tác giả, nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật quân đội. Từ Đoàn Kịch Quân đội với Cuộc đời và năm tháng, Hẹn đến ngày mai, Người đàn bà mộng du, Khát vọng, Cái chết chẳng dễ dàng gì, Những dấu chân thời gian, Bản hùng ca linh thiêng, Những linh hồn thức…đến Đoàn Kịch Quân Khu I với Điểm tựa không tên; Đoàn Kịch Quân Khu II với Suối mơ, Hoa khôi trên núi, Đợi đến mùa xuân. Từ những kịch múa, thơ múa của các Đoàn Ca Múa Quân đội, Quân Khu I, Quân Khu II, Quân Khu V đến hình ảnh những chiến sĩ không quân, hải quân và bộ đội biên phòng của Đoàn Ca Múa Không quân, Hải quân và Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng. Tất cả những hình tượng về người lính đầy ắp cảm xúc, là những bài học cho tôi hiểu hơn những gì là mất mát hy sinh của dân tộc Việt Nam, trong đó là các chiến sĩ có danh và vô danh, cả những người sống và người đã chết trong hai cuộc kháng chiến thần thánh. Trong vở diễn Cuộc đời và năm tháng ( tác giả, đạo diễn NSƯT Tạ Xuyên), tôi đã ghi sâu và cảm nhận về người lính- dũng cảm trong chiến tranh, bình dị, cao thượng trong tình cảm và đời sống thường nhật. Sau giải phóng miền Nam, cũng chính những người lính bình thường ấy lại lặng lẽ góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc tái thiết đất nước. Họ gạt qua tất cả- nước mắt, máu, mồ hôi, đắng cay, gian khổ- một cách bình thản đến kỳ lạ, bởi họ hiểu rằng, cuộc sống nhất định sẽ tiến lên phía trước. Nếu trong vở Hẹn đến ngày mai ( tác giả, đạo diễn NSƯT Vũ Minh), hình ảnh các chiến sĩ- những người lính trẻ hôm nay- như em mình, như con cháu mình; họ yêu đương và hờn giận thật hồn nhiên, tươi trẻ, nhưng khi giáp mặt kẻ thù, họ lại dũng cảm hơn bao giờ hết; thì trong Cái chết chẳng dễ dàng gì ( tác giả Xuân Đức, đạo diễn NSND Dương Ngọc Đức), người lính và những cánh rừng Trường Sơn lại hiện lên thật rõ ràng, đậm nét, với hình ảnh Bác Hồ như đang cùng hành quân qua mọi nẻo đường đánh Mỹ và thắng Mỹ của cả dân tộc! Trong khi vở Điểm tựa không tên ( tác giả Hồng Phi, đạo diễn NSƯT Xuân Huyền) lại được khán giả hết sức yêu mến, bởi các tác giả đã dựng nên hình ảnh những người lính rất trẻ hôm nay- vui nhộn, nghịch ngợm, có khi còn cả tự do, vô kỷ luật- nhưng cuối cùng, chính sự thông minh, lòng dũng cảm và truyền thống cao quý đã giúp họ vượi qua tất cả. Tình yêu lại đến với họ. Cuộc sống mỉm cười với họ, bằng những gì là độ lượng và tốt đẹp, thuỷ chung và cao cả nhất.

Suốt nửa thế kỷ qua, tại các Hội diễn Sân khấu, Ca Múa Nhạc toàn quốc của cả trong và ngoài quân đội, đã xuất hiện khá nhiều vở diễn về người lính với những thành công và có cả thất bại. Rõ ràng, sân khấu với mảng đề tài thân thuộc, hấp dẫn, cuốn hút này, đã và đang đòi hỏi không ít sự đầu tư công sức. Cái cần có nhất là phải tâm huyết, phải yêu người lính và cuộc sống của họ; thì mới phản ánh được những gì là chân thực về người lính. Lâu nay, chúng ta thấy xuất hiện không ít những vở diễn, mà trong đó, các tác giả chỉ tô vẽ một cách sơ lược, khô khan, nhạt nhẽo hình tượng người lính- chỉ có chiến đấu, chiến thắng, và hy sinh. Hình như, chúng ta quên mất rằng, người lính cũng chỉ là một con người bình thường- và rõ ràng, họ càng bình thường bao nhiêu, thì khi trở thành anh hùng, họ càng được kính trọng bấy nhiêu. Và tất nhiên, chẳng lẽ người lính nào cũng phải trở thành anh hùng, chẳng lẽ, họ không thể là một người bình thường mãi được hay sao? Cũng chính vì quá tuyệt đối hoá người lính, mà hình tượng về họ trên sân khấu không hấp dẫn khán giả- ngay cả khán giả là lính, huống gì là khán giả ngoài quân đội- cho dù, trong trái tim mọi người, hình ảnh người lính bao giờ cũng hiện lên thật đẹp đẽ, thân thiết , đáng yêu!

Bởi, nghĩ cho cùng, đề tài vẫn chỉ là duyên cớ. Muôn thuở, nghệ thuật vẫn phải nói về con người, cho con người và vì con người, trong đó có người lính- Anh Bộ đội Cụ Hồ- yêu quý của chúng ta.