Lê Huy Quang
SÂN KHẤU HÀ NỘI TRƯỚC THỀM MÙA XUÂN…
Vậy là mùa xuân Đinh Hợi 2007 đã về, ta lại nghe gió xuân lướt trên mỗi mái nhà phố cổ. Chỉ còn ba mùa xuân nữa thôi, vào năm Canh Dần 2010, Hà Nội sẽ trọng thể, tưng bừng kỷ niệm 1000năm Thăng Long, lể từ bước vào năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô lập nước. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác như văn học, thơ ca, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, hội họa, múa, sân khấu Hà Nội cũng đang tự nhìn lại chính mình trong tổng thể của nó – từ kịch bản, đạo diễn, mỹ thuật, âm nhạc và nhất là khâu nghệ thuật biểu diễn, trung tâm sáng tạo của nghệ thuật sân khấu. Trong trời gian nửa thế kỷ qua(tính từ khi hòa bình lập lại đến nay), sân khấu Hà Nội đã tự khẳng định được vị trí của mình, làm thành một cột mốc lớn của nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt nam, với những thành công to lớn rực rỡ, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, công bằng mà nói, vẫn không ít ý kiến cho rằng, phải được tạo một đà mới, để sân khấu Hà Nội đi lên, chuyển một nhịp mới ,khi bước vào những ngày kỷ niệm trọng đại đó !
Như chúng ta đã biết, những năm đầu thế kỷ XX, Thủ đô Hà Nội đã thực sự trở thành một trung tâm lớn của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Không kể nghệ thuật tuồng cung đình, nghệ thuật chèo dân gian đồng bằng Bắc Bộ, nghệ thuật cải lương, đã xuất hiện hàng loạt những ngôi sao lớn, những tên tuổi lớn suốt từ Bắc chí Nam quy tụ về Hà Nội – Đông Đô – Thăng Long… thì một loại hình nghệ thuật mới đã xuất hiện từ các ban, nhóm nghệ sĩ tài tử – đó là nghệ thuật kịch nói du nhập từ Pháp vào, và ngay lập tức, được đông đảo quần chúng – nhất là lớp khán giả trí thức tiểu tư sản trẻ ở thành thị tung hô chào đón. Và rồi trong vài thập thế kỷ đó, các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương của Nguyễn Đình Nghị, cái lương, ca nhạc, kịch nói đã hoạt động sôi nổi ở Hà Nội và suốt từ trong Nam, ngoài Bắc, cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (tháng 12 – 1946), Trung ương Đảng, Hồ Chủ Tịch cùng tòan thể dân tộc Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu mới. Hầu hết các văn nghệ, trong đó có các nghệ sĩ sân khấu, đã hành quân lên chiến khu Việt Bắc, cùng cả dân tộc vừa đánh giặc vừa biểu diễn nghệ thuật trong Liên đoàn văn nghệ kháng chiến, rồi Văn công Trung ương được thành lập, đã ghi lại nhiều dấu ấn về nghệ thuật, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm đánh Pháp trường kỳ anh dũng. Và ngày 10.10.1954, trong đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô, các nghệ sĩ sân khấu Hà Nội đã họp mặt đầy đủ, để từ đó, trong những ngày hòa bình cho đến hôm nay, tuy nhiều người đã đi xa không còn nữa, nhiều người đã nghỉ biểu diễn, một số người vẫn còn hoạt động sân khấu với niềm đam mê vô tận…Nhưng rõ ràng, mỗi khi nhắc đến tên tuổi của họ, chúng ta không khỏi tự hào, bởi những thế hệ đó đã làm nên một nghệ thuật sân khấu cách mạng rạng rỡ, để lại cho chúng ta được thừa hưởng những gia tài lớn, những giá trị nghệ thuật đích thực, mà trên 50 năm qua, đã được các nghệ sĩ trẻ gìn giữ, xây dựng, tiếp nối, làm cho nó không ngừng lớn mạnh. Đó là nghệ thuật sân khấu của riêng Hà Nội, tập hợp trong Hội Sân khấu Hà Nội, xứng đáng với những lớp người đi trước.
Nhưng quá khứ bao giờ cũng ở phía sau lưng, cho dù đó là một quá khứ huy hoàng và chói lọi, mà không khéo, cái gánh nặng quá khứ nhiều khi làm cho mình khó cất nổi bước chân hơn để đi lên phía trước. Tình yêu và niềm tin của khán giả đối với sân khấu Hà Nội hôm nay như đã có vẻ chững lại, gỉam sút, những “Ông hoàng”, “Bà chúa” của thánh đường sân khấu đã có vẻ không còn hấp dẫn người Hà Nội, nhất là lớp trẻ nữa. Hình như, sự thiếu vắng bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của một nghìn năm lịch sử cận đại đến hiện đại mà nghệ thuật sân khấu Hà Nội dã không khắc họa, không trình bầy, không lý giải được một cách chân thực và cuốn hút, không để lại được trong trái tim mỗi khán giả, một hình tượng nghệ thuật nào đó, như trước kia, đã từng một thời làm mê đắm lòng người. Đội ngũ các tác giả của sân khấu Hà Nội, không thể nói là không đông đảo với nhiều đóng góp to lớn về phương diện kịch bản. Nhưng vài ba năm qua, tự bản thân các tác giả cũng có vẻ chững lại, không bắt kịp những vấn đề của cuộc sống đương đại để phản ánh trong các tác phẩm sân khấu. Hình như, các tác giả Hà Nội đang cần có sự tập hợp lại lực lượng của mình, trong đầu tư, trong gặp gỡ, trao đổi và sáng tác. Mặc dù sáng tác nghệ thuật là một phạm trù rất cá nhân, nhưng nếu có những biện pháp để hội tụ hơn hơn trong tổ chức của Hội Sân khấu, và sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý văn hoá của Hà Nội, nhất định họ sẽ hoạt động và sáng tạo nghệ thuật đạt hiệu quả hơn. Về thành phần đạo diễn, với đặc điểm sáng tạo khá riêng biệt, chúng ta không thể và không cần thiết phải có một đội ngũ đạo diễn riêng của Hà Nội, bởi cả Hà Nội và các Nhà hát Trung ương đã có một đội ngũ đạo diễn tài năng, uy tín với nhiều đóng góp của mình. Tuy nhiên, như báo chí vừa qua đã không ít ý kiến đề cập đến nghề nghiệp đạo diễn sân khấu hôm nay. “Đầu nậu” và “chạy sô” dàn dựng đến chóng mặt của một số ít đạo diễn, đã tạo nên những cú sốc về tình cảm và nghề nghiệp, không ít vở diễn kém chất lượng, trùng lặp về chủ đề, về mảng miếng, và mỗi khi có liên hoan hay hội diễn, thì sự trùng lặp qúa đáng là điều đáng chê trách và thật sự xấu hổ. Cùng với tác giả, đạo diễn, thì các nghệ sĩ biểu diễn, những thành phần cơ bản nhất và trung tâm của nghệ thuật sân khấu – thời gian qua cũng có khá nhiều ý kiến khen, chê có lúc đến trái ngược nhau. Có người khen lớp nghệ sĩ trẻ hết lời. Cũng không ít người cho rằng lớp trẻ hôm nay đã không tiếp nối được nghệ thuật biểu diễn của lớp người đi trước. Các nghệ sĩ trẻ chỉ còn lo “đánh quả”, diễn xuất hời hợt, cũng lo “chạy sô” từ sân khấu đến truyền hình và phim ảnh. Có người đóng vài ba vai diễn, vài ba bộ phim truyền hình, ngỡ mình đã trở thành ngôi sao, lại được vài ba tờ báo tung hô bạt mạng, mà quên cả trau dồi nghề nghiệp của người nghệ sĩ… Tuy nhiên, bỏ đi những ý kiến thái quá và cực đoan, công bằng mà nói, các nghệ sĩ trẻ hôm nay cho dù vẫn có một trái tim đầy nhiệt huyết, nhưng chúng ta phải ghi nhận một sự thật đáng buồn là, so với các nghệ sĩ đi trước của sân khấu Hà Nội (Chèo, Cải lương, Kịch nói…), các nghệ sĩ trẻ chưa thực sự vượt lên, chưa tạo dựng được cho mình một diện mạo, một tổng thể lớn về nghệ thuật biểu diễn để khán giả phải ngạc nhiên, trầm trồ đến kinh ngạc. Bởi vậy, trong thời gian qua không ít diễn viên sân khấu Hà Nội có năng lực đã lại phải bỏ nghề để kiếm sống trong thời buổi cơ chế thị trường xô bồ và ồn ã, không kém phần nhiễu loạn. Tất nhiên, ta cũng không quá cực đoan mà đao to, búa lớn để quá lo lắng về hiện trạng này. Bởi qui luật đào thải vốn là qui luật muôn đời trong sự sáng tạo cá nhân của người nghệ sĩ…
Vâng. Một năm mới, một mùa xuân mới, một vận hội mới đã đến, nhất là khi Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Trước mắt, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Sở Văn hoá- Thông tin Hà Nội và Hội Sân khấu Hà Nội đã đoàn kết, cùng nhau bắt đầu làm được nhiều công việc cho sân khấu Hà Nội, nhưng nếu không được tạo đà, liệu sân khấu Hà Nội có thể chuyển một nhịp mới, để khẳng định là một trung tâm nghệ thuật sân khấu của đất nước Việt Nam hôm nay hay không? Câu hỏi đó xin được nhường quyền trả lời cho các bậc trí giả cao niên, thức thời và đầy trách nhiệm trong và ngoài sân khấu, cũng như chính các nghệ sĩ sân khấu…