Lê Huy Quang

Nhà thơ, Nhà báo, Hoạ sỹ, Nghệ sĩ nhân dân

Quê ơi

Tản văn của Lê Huy Quang

QUÊ ƠI

1.Mở

Quê tôi Hà Tĩnh ( Thạch Hà ). Mẹ là người Nghệ An ( Đô Lương ). Tôi tự coi mình có một may mắn lớn, như con đò được bơi chèo và neo đậu cả hai dòng sông La và sông Lam. Tuy nhiên, tôi lại luôn mang trong mình một nỗi buồn da diết – vì sinh ra, lớn lên ở quê mẹ- vài ba năm; sau đó tiếp tục lang thang rồi tản cư về Diễn Châu một thời gian; hoà bình lại về thành phố Vinh sinh sống, và học hết cấp ba Trường Huỳnh Thúc Kháng; những năm đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ, ra Hà Nội học tập và trưởng thành, làm việc- cho đến nay đã trên 40 năm. Bởi thế, tôi luôn tự nhận mình là một người con bất hiếu với quê: có quê mà không được sinh ra trên đất quê, không được ở trên quê, không được lớn lên với quê, không được sẻ chia những thăng trầm, thịnh suy, vui buồn trong suốt cả nửa sau của thế kỷ hai mươi, với một góc quê mà từ xa xưa, luôn đứng vào loại đói nghèo bậc nhất Hà Tĩnh…{mosimage}

Cha tôi sinh ra ở làng Yên Nhiên ( một tên cổ đã có từ lâu đời), huyện Thạch Hà; tuổi Nhâm Dần (1902)- theo tử vi là “ Nhâm biến vi Vương”- có lẽ vì thế mà sau này, khi đã trở thành một nghệ nhân Tuồng cổ, cha tôi hay đóng vai ông vua nhà Tống- Triệu Khuông Dẫn trong tích tuồng Đào Tam Xuân loạn trào, mà tôi được xem từ thời còn thơ bé. Vào tuổi đôi mươi, vốn có máu nghệ sĩ bẩm sinh tự do nay đây mai đó, cha tôi xin vào một gánh hát tuồng cổ của xứ Nghệ. Ngoài việc hát Tuồng, hát Phường vải, Ca trù, Ví dặm…cha tôi còn vẽ truyền thần, sơn vẽ kẻ biển, phông cảnh, đạo cụ, lúc rảnh rỗi còn chữa cả đồng hồ, xe đạp…Ông vẫn tự gọi mình là “nghệ sĩ tự do”, vì thế trong lý lịch của tôi, khi ghi thành phần gia đình trước và sau cách mạng; tôi cũng chỉ ghi có như thế. Mẹ tôi sinh năm Canh Tuất ( 1910), 20 tuổi, gặp cha tụi, rồi hai người thành thõn. Từ đó, suốt một đời người, mẹ tôi đã đi theo cha tôi trong các gánh hát, ở nhà nội trợ, phục vụ gia đình và nuôi dạy con cái. Những năm tháng mở đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ ( 1965), thành phố Vinh bước vào một cuộc chiến ác liệt; nhà cửa đã bị bom đạn tàn phá, cả hai quê là Thạch Hà, Đô Lương, thì ông bà nội ngoại của tôi cũng như họ hàng ruột thịt đều không còn ai , cha mẹ tôi cũng bước vào tuổi già yếu, nên đã quyết định chuyển ra Hà Nội ( theo chủ trương “sơ tán”của Đảng, Nhà nước). Từ đó, gia đình tôi buông một một dấu chấm cuối cùng với cả hai quê Nghệ An, Hà Tĩnh; vì không bao giờ có dịp trở về quê cha, đất tổ nữa ( cha tôi qua đời ở tuổi 72, trước ngày hoà bình thống nhất đất nước; còn mẹ tôi cũng qua đời tại Hà Nội năm 1999, thọ 90 tuổi). Vậy là, tự nhiên, tôi trở thành người mất gốc, không quê, vì thành phố Vinh là nơi mình ngụ cư, nên cũng chỉ còn lại một vài bạn hữu cùng học hành với nhau từ thời thơ ấu; còn đa số đều lập nghiệp và sinh sống tại Hà Nội. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, tôi thường xuyên đi về cộng tác với các đoàn văn công của Nghệ Tĩnh ( lúc đó Nghệ An, Hà Tĩnh được sáp nhập với nhau thành một tỉnh), nên cũng chỉ về đến thành phố Vinh; để từ đó, nhìn vọng sang huyện Thạch Hà quê cha đất tổ; vọng lên Đô Lương là nơi chôn rau cắt rốn, quê mẹ của mình…Đó là một nỗi buồn lớn, một thiệt thòi lớn, mà có lẽ, không thể sẻ chia và cũng không có gì đắp bù được. Bởi, cũng một đôi lần, ý nghĩ hành hương tìm về cội nguồn của hai quê vụt hiện đến; nhưng rồi lại mặc cảm, lại ngại ngần là không- ai- biết- mình- là- ai…mình- không- biết- ai- là- ai; nên lại tặc lưỡi, làm một chén rượu cho qua đi, cho quên đi, rồi lại trở về Hà Nội. Vậy mà, chỉ một thoáng, như một chớp mắt, từ một chàng trai trẻ 20 tuổi; vào những năm đầu tiên của thế kỷ XXI này, tôi đã bước qua ngưỡng tuổi 60 – tuổi đã biết nghe những lời nói phải, cũng như biết nói những lời nói phải – “Lục thập nhi nhĩ thuận”… Nhưng rồi, một ý nghĩ luôn luôn thường trực trong tôi, luôn vang lên trong tôi như một câu hỏi lớn- liệu rằng, từ chỗ mất gốc, mất quê như thế, lại sống ở Hà Nội đã quá lâu như thế; ta có nhớ gì, hiểu gì về quê hương mình, về tính cách của người dân quê, cả văn hoá, cả phong tục tập quán nữa; để học hỏi, làm thành kinh nghiệm sống, làm thành cả văn hoá và cả nhân cách cho mình nữa hay không? Từ câu hỏi đó, nhưng tôi vẫn không dám viết một dòng nào về văn hoá Hà Tĩnh, về cốt cách con người Hà Tĩnh, cũng như vùng đất “Địa linh, Nhân kiệt” Hà Tĩnh. Phần này, xin được nhường quyền cho các nhà nghiên cứu tâm huyết, uyên bác có điều kiện để chuyên sâu. Còn với riêng tôi, qua những đối thoại, chuyện trò tâm sự với cha mẹ mình- những người dân quê bình thường nghĩ về chính những con người của xứ Nghệ- tôi đã ghi lại những dòng đối thoại sau đây, có tính chất riêng tư, gia đình; vì thế, có thể điều này chưa đúng , điều kia chưa chuẩn, cũng xin đừng lấy làm chuẩn mực hay đại diện cho bất kỳ ai…

2. Ghi

– Tại sao cha lại xa quê từ ngày còn rất trẻ?
– Quê mình nghèo quá. Dưới dòng sông chỉ có đá và đá, nên mới có tên gọi Thạch Hà. Ông bà nội mất sớm, nhà chỉ có hai anh em; một trai, một gái; nên cha phải ra đi.
– Người lớn nói: Đá Thạch Can, gan Thạch Hà. Chắc là người Thạch Hà gan to lắm?
– Mỗi vùng đất một đặc điểm. Những câu ca, nhiều khi cứ hay nói quá lên.
– Sao cha không ra hẳn ngoài Bắc, lại chỉ sang đến Nghệ An ?
– Nghệ An đất rộng, người đông, lại có TP Vinh là trung tâm công nghiệp, buôn bán. Ngoài Bắc cũng rất hay.Cha mẹ đã từng ở Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội. Nhưng mình lại máu tự do, nghệ sĩ; nên thích đi hát Phường vải, Ví dặm, hát Tuồng…Ngoài ấy không có, nhớ lắm.
– Hay mẹ ngại, không muốn đi?
– Có thể… Bởi con gái Bắc khéo lắm, họ ăn nói ngọt nhạt, dịu dàng hơn.
– Và cũng đẹp hơn ?
– Không…Điều này, lớn lên con sẽ biết.
– Vậy con gái Hà Tĩnh và Nghệ An thì đâu đẹp hơn?
– Một mười, một chín.
– Cha mẹ nghĩ gì, khi mình cứ bị diễu là “dân cá gỗ”?
– À. Phải từ cá gỗ mà làm ra cá thật. Chính câu diễu đó đã nhắc nhở ta phải biết hy sinh, phải có chí, phải chịu khổ, chịu khó, chịu học hành thì mới nên người được.
– Còn đồ Nghệ?
– Nghệ An rõ nét hơn về chất “ông đồ gàn”. Họ quyết đoán hơn, kiêu hơn, quyết liệt hơn. Trong một cuộc họp, người phát biểu trước, phải là Nghệ An. Trong một cuộc rượu, người nói to hơn, bốc hơn, cũng như ngồi lại sau cùng, là Nghệ An. Hà Tĩnh nhỏ nhẹ và nhường nhịn hơn.
– Nên cũng thiệt thòi hơn?
– Không phải thế. Thiệt hòi hơn là do hoàn cảnh, địa lý, dân số. Sự thông minh thì hai bên ngang nhau, nhưng lập nghiệp thì Nghệ An nghiêng về chính trị; Hà Tĩnh nghiêng về văn chương. Nếu chấm điểm cho vui- thì Hà Tĩnh văn chương 10, chính trị 9; còn Nghệ An văn chương 9, chính trị 10.
– Tại sao người ta vẫn nói: Dân Xứ Nghệ phải bỏ quê đi xa, lập nghiệp mới thành công?
– Có lẽ, nhiều người tài quá; càng ở lại, người tài càng nhiều ra, càng không chịu nhau, giữ chân nhau; nên phải chia người tài cho xứ khác; rồi trở về thăm quê và giúp quê từ xa càng hay.
– Cuối cùng, theo ý riêng cha, người Nghệ Tĩnh quê ta còn hạn chế những mặt nào?
– Thẳng thắn quá hoá ra nóng nảy, có khi hỏng việc. Cương quá, lại quên mất nhu. Khảng khái quá, nên có lúc bỏ lỡ mất cơ hội, làm mếch lòng người. Không chịu ai, nên dễ sinh ra bảo thủ, cố chấp, chậm đổi mới. Tằn tiện quá, có khi mang tiếng là bần tiện. Chịu khổ giỏi, nên lại hoá ra cam chịu. Kiêu quá, có lúc bốc đồng ( Cậy Thần), nên quá đà…Rồi cha tôi cười- Nhưng “Nhân vô thập toàn”. Phải như thế mới là cốt cách người Xứ Nghệ. Tất nhiên, đó là những ý nghĩ của riêng cha mẹ thôi, rút ra từ chính cuộc sống của gia đình mình, có thể đúng, có thể sai. Nhưng ta phải nhớ rằng, Hà Tĩnh, Nghệ An tuy hai, nhưng chỉ là một; đó là chung một nước sông Lam, một đỉnh núi Hồng. Bởi đây là vùng đất “Địa linh, Nhân kiệt”, cho nên người ta vẫn gọi chung người Hà Tĩnh, Nghệ An là “dân Xứ Nghệ”…

3. Lời kết

Trên 15 năm chia, tách tỉnh, Hà Tĩnh đã làm nên nhiều kỳ tích. Sự đổi mới về tư duy, cách chỉ đạo, làm ăn, đang hiện hữu một Hà Tĩnh mới mẻ, đổi thịt thay da. MẤY NĂM GẦN ĐÂY, Hà Tĩnh đang trải thảm đỏ, ĐÓN NGƯỜI TÀI VỀ, để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá; mà hai công trình nhiệt điện và cảng biển vào loại tầm cỡ quốc gia, đã được triển khai- là niềm tự hào, và là niềm vui lớn của người dân Hà Tĩnh. Mong và tin vào quê ta Hà Tĩnh, đang đi lên, cùng cả nước, cùng Nghệ An- bởi đây là hai vùng đất nhưng chung một dòng văn hoá Van hoá Xứ Nghệ hoà quyện, nhân nghĩa, thuỷ chung, son sắt muôn đời