HỘI HỌA LÊ HUY HÒA
Lê Quốc Bảo
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của hoạ sĩ Lê Huy Hòa (1996- 2006), Trung tâm Giới thiệu và Trao đổi Nghệ thuật (CEAE) đã tổ chức cuộc Triển lãm tranh Lê Huy Hòa trong bộ sưu tập của Phan Ngọc Mỹ từ 26/11 đến 10/12/2006. Như nhận xét của Hoạ sĩ, Giám đốc Trịnh Sinh Nha- Triển lãm giới thiệu những tác phẩm cuối cùng của một hoạ sĩ xuất sắc khoá Kháng chiến năm xưa từng được danh hoạ Tô Ngọc Vân hướng dẫn. Bộ tác phẩm đã bộc lộ rõ quan điểm đổi mới trong sáng tác của Lê Huy Hòa: học tập và kế thừa những tinh hoa của nền nghệ thuật truyền thống kết hợp hài hoà với nền nghệ thuật hiện đại của thế giới, để tạo thành một phong cách riêng. Cái riêng đó chính là sự hấp dẫn lớn nhất trong các tác phẩm làm nên một phong cách hội hoạ Lê Huy Hòa.
Tôi biết bộ sưu tập này khá đầy đặn tới vài chục tác phẩm, nhưng dù sao, đó cũng chỉ là một phần trong các tác phẩm của Lê Huy Hòa. Còn thiếu những tác phẩm tiêu biểu đang có mặt tại các bảo tàng, các nhà sưu tập trong và ngoài nước, âu cũng là lẽ thường tình của bất cứ một bộ sưu tập nào.
Song, từ một số tác phẩm trong sưu tập của Phan Ngọc Mỹ, chúng ta vẫn nhận diện được cuộc đời và hội hoạ của Lê Huy Hòa. Sinh ra và lớn lên tại Thạch Hà, Hà Tĩnh ( 1/9/1932 ), Lê Huy Hòa đã tham gia thiếu sinh quân từ sau ngày Toàn quốc Kháng chiến, tháng 12/1946. Là một con người trọng thực, trực tính, bộc lộ thẳng thắn chính kiến của mình về cuộc sống cũng như về hội hoạ, nhưng Lê Huy Hòa lại là người rất dễ gần gũi. Anh có hai người em ruột cùng nghề; họa sĩ- Nghệ sĩ Ưu tú Lê Huy Quang và hoạ sĩ- nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh; hai người em anh còn là nhà thơ, không biết Lê Huy Hòa có làm thơ không- Đúng là một gia đình nghệ thuật đích thực.
Hoạ sĩ Lê huy Hòa thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo dưới chính quyền cách mạng. Khoá Mỹ thuật Kháng chiến mở tại chiến khu Việt Bắc, do danh hoạ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng; cùng với các thầy Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Khang, Bùi Trang Chước, Nguyễn Tư Nghiêm- những hoạ sĩ tên tuổi, với nhiều học trò thành danh trong các khoá đào tạo mỹ thuật của Việt Nam như Trần Đông Lương, Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa, Mai Long, Trần Lưu Hậu, Ngô Mạnh Lân, Lê Lam…Quả thật, thầy nào trò ấy, đều làm rạng danh cho nền mỹ thuật nước nhà !
Chỉ xem các tác phẩm của Lê Huy Hòa trưng bày trong sưu tập của Phan Ngọc Mỹ, chúng ta vẫn nhận diện được cuộc đời và nghệ thuật của anh. Chỉ qua mấy tác phẩm nu( khoả thân), cũng thấy được bản lĩnh hình hoạ của tác giả, bởi như nhiều người đã khẳng định- Hình là 3/4 tác phẩm. Cái đúng trong nghệ thuật, cụ thể đúng về hình, tức là đã mở đường cho cái đẹp trong tác phẩm. Cụ thể, 4 tác phẩm Xiếc Việt Nam, hình tượng nhân vật diễn viên được cách điệu tưởng như phi lý trên cơ sở cái đúng, đã tạo nên cái đẹp về hình…Đó chính là vẻ đẹp đích thực trong nghệ thuật.
Đường biên Lê Huy Hòa đi từ cực nọ- hiện thực đến cực kia- phi hiện thực. Nếu như các tác phẩm Thư Bác Hồ gửi miền Nam, Phong cảnh miền núi, Kiều- Kim Trọng, Tố nữ, Thiếu nữ Hà Nội…thiên về xu hướng nghệ thuật hiện thực, thì các tác phẩm Khát vọng, Hồ Xuân Hương, Đánh đàn, Tắm tất niên…lại khai thác các yếu tố tạo hình của chủ nghĩa hiện đại, cụ thể của các isme: lập thể, siêu thực, biểu hiện, trừu tượng- khá hiệu quả, thể hiện được hiện thực tâm trạng. Thú vị hơn, tất cả những hình thức, thủ pháp nghệ thuật đó đã kết tinh trong tác phẩm sơn dầu Bài ca về ngã ba Đồng Lộc- Huy chương Vàng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990. Cái đáng trân trọng là sự tự vượt chính mình, trong một đề tài chiến tranh cách mạng, bằng một hình thức tạo hình hiện đại, nổi trội các yếu tố tạo hình : siêu thực, lập thể, biểu hiện…định hình, định vị một phong cách nghệ thuật Lê Huy Hòa trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Có được Triển lãm này, không thể không nói tới tấm lòng rất đáng trân trọng của nhà sưu tập Phan Ngọc Mỹ- Nói rộng ra, các nhà sưu tập là một phần của đời sống mỹ thuật hôm nay.
Nhớ Lê Huy Hoà ( anh hơn tôi một tuổi); đôi điều tâm sự, coi như một nén tâm nhang, gửi tới hương hồn hoạ sĩ Lê Huy Hòa !