Lê Huy Quang
ẤN TƯỢNG, ÁM ẢNH VÀ DAY DỨT…
Đọc Tây Hồ nổi sóng- Tập Truyện ngắn chọn lọc của Văn Vinh
( NXB Lao động- 2006)
Đó là cảm giác chung, về những nhân vật chính, trong 19 truyện ngắn; khi đọc xong tập Truyện ngắn chọn lọc của Văn Vinh- mà như đoạn kết truyện Tây Hồ nổi sóng ( cũng là tên chung của tập sách) – tác giả đã viết: Buổi chiều hôm ấy, sau đám tang thằng Lành thì cụ Cối cũng qua đời. Trời bỗng nổi gió to. Sóng hồ cuộn lên trập trùng giận dữ…Vâng. Đó là tâm nguyện của Văn Vinh, bởi anh muốn rằng, cái chết oan nghiệt, uất ức, chua xót của Lành; đã thấu đến cả trời cao đất dầy, làm cho cả hồ ao, sông nước cũng phải sẻ chia, đồng cảm với nỗi đau và những nhân tình thế thái của con người hôm nay. Và có lẽ, hình ảnh đáng thương của Lành, nhân vật chính trong truyện; vẫn còn đọng lại trong ký ức chúng ta – Gã trạc ngoại bốn mươi, da vàng bủng, môi thâm, mắt lờ đờ, chân tay đen đúa, áo quần hôi hám, răng vàng khè vì khói thuốc lào và có lẽ từ bé chưa biết đánh răng…nhưng lại được cả làng, từ người già đến trẻ con yêu mến vì hiền lành, thật thà, tốt bụng; chỉ vì muốn tìm lại ba ngôi mộ người thân, ruột thịt…mà đã bị bọn người giàu có, vô học dã man đánh cho đến chết. Máu từ miệng nó ộc ra chảy trên bộ quần áo ướt sũng nước hồ tanh nồng…cặp mắt lồi ra, trợn lên như muốn bật ra ngoài…Tất nhiên, cuối cùng, vợ chồng lão Quyền, mụ Thừa cũng bị trừng phạt một cách đích đáng; nhưng qua số phận và cái chết oan ức của Lành, Văn Vinh muốn cảnh báo, nhắc nhở một điều này- Trong thời buổi kinh tế thị trường ầm ã, xô bồ hôm nay, nếu mỗi chúng ta quan tâm đến nhau hơn, nhất là thân phận những con người dưới đáy của xã hội- thì cuộc sống này nhất định sẽ ngày càng tốt đẹp hơn lên…
Nếu cái chết của Lành dưới đáy Tây Hồ oan ức như thế, thì trong một bối cảnh khác, không gian khác của nước Nga- nơi những người Việt Nam, trong đó có tác giả đã một thời lao động kiếm sống- cái chết của Lệ Hà ( Hoa đồng nội), cũng lại diễn ra hết sức kinh hoàng, đau đớn. Đó là một cô gái lãng mạn, mơ mộng nhưng do làm ăn thua lỗ, lại bị người yêu lừa dối, nên đã tự tử, trên đất khách quê người. Một cái ô tô phóng nhanh như điên đâm thẳng vào nó. Ghê quá. Nó bị bắn tung lên cao đến mấy mét, bay vào bãi cỏ cạnh vườn táo…Họ sẽ đốt thi thể nàng, đóng vào hộp, gửi nắm tro tàn về quê mẹ…Xin hãy để cho nàng – người con gái Việt Nam bất hạnh được nằm yên nghỉ trên thảm hoa đồng nội nước Nga…Còn đây, cũng một vụ tự tử đúng vào đêm 30 Tết , của ông “ sáu rưỡi”( Ông “ sáu rưỡi”); một nhân vật không có tên gọi trong truyện; chỉ vì vô tình gặp lại người yêu đầu tiên ở quê nhà trước kia, nay cũng đã sang Nga kiếm sống, mà đã trở thành một gái gọi- “ món hàng xuất khẩu” cao cấp…Giờ đây, sau ba năm xa cách, trong vòng tay nhau, hắn mới thấu hiểu hắn đã tự dối lòng để chôn chặt mối tình đầu. Rằng con người này đã từ xa xưa trở thành máu thịt của hắn…Hắn ngửa mặt tu nốt chai rượu. Hắn lại phá lên cười…Không do dự, hắn lao xuống…Hắn nằm sóng sượt trên băng giá. Đầu ông “ sáu rưỡi” vỡ nát. Một vũng máu đỏ loang trên tuyết trắng bốc hơi nghi ngút…Nhưng đó chỉ là những vụ tự tử, mà cái chết của nhân vật đã khép lại câu chuyện. Còn cái chết vì tai nạn lao động của Thực “lùn” trên đất Nga( Dưới lớp tro tàn), thì lại mở ra không biết bao nhiêu là câu chuyện vừa bi, vừa hài, nhưng cũng lại rất khốn nạn, đểu cáng. Nó báo động về một lối sống mất hết nhân tính của những người Việt với nhau: không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả nắm tro tàn của người chết đã đưa về nước, cũng không được thanh thoả yên giấc ngàn thu- Cái lọ gốm văng ra vỡ tan từng mảnh. Tro người chết tung ra nền nhà. Nhưng, mọi người kinh hoàng vì lẫn trong tro là một đống những mẩu kim loại bằng móng tay sáng loáng. Nó là những tiếp điểm bằng bạc trong tầu điện ngầm của Nga…
Trong số 8 truyện ngắn của nhà văn Văn Vinh, viết về đề tài những người Việt Nam xuất khẩu lao động kiếm sống tại Liên Xô (cũ- sau này là nước Nga), từ năm 1995 đến năm 2005; ngoài ba nhân vật chính với ba cái chết đã để lại những dấu ấn khó quên đó; thì trong 5 truyện còn lại, anh đều tạo dựng nên được những nhân vật hết sức sống động, đa dạng, nhiều chiều, với những tính cách phức tạp của những người Việt xa xứ. Đó là Hiền ( Hiền “mơlacô”)- từ một cậu chàng không ăn được món sữa- nhưng vì hoàn cảnh sống, nên sữa đã trở thành món ăn chính, thành biệt danh của Hiền; và cũng vì thế mà Hiền đã gặp bao nhiêu điều trớ trêu, bi hài, khốn khổ. Đó là anh cán bộ phiên dịch của một đội lao động người Việt có cái tên Nghiêm Văn Cách ( Truyện về một “ pêrêvốttrích”) – con người trạc ngoại tứ tuần, lúc nào cũng đàng hoàng chững chạc trong bộ đồ mang theo từ trong nước sang, đi đâu là mũ phớt nỉ đen, áo varơi đen, giầy Côxưghin cao cổ, ô đen giương cao…Nhưng rồi, cuối cùng, không chịu đựng nổi cuộc mưu sinh trên đất Nga; Nghiêm Văn Cách cũng phải bật bãi về nước, lần hồi kiếm sống- Sau cái tủ kính con lỏng chỏng mấy thứ hàng lỗi thời, lạc điệu ấy là một người đàn ông xấp xỉ ngũ tuần, sắp đến tuổi “tri thiên mệnh”, hói nửa đầu, trán rộng nhưng đầy nếp nhăn.Hắn nhìn dòng người hối hả, ngược xuôi, xô bồ, vội vã với cặp mắt tròn thô lố như ngạc nhiên, ngơ ngác…Trong ba truyện ngắn còn lại viết về đề tài này, Văn Vinh đã dành để miêu tả những nhân vật chung quanh mình với số phận, tâm lý, tình cảm, tình yêu, sinh hoạt, vui chơi, giải trí, ca hát, nhậu nhẹt, cả thánh thiện và nhảm nhí trong cuộc sống tại các “ốp”, cũng như quan hệ giữa người Việt với người Nga. Đó là Tế, một thanh niên ăn chơi, trác táng, truỵ lạc- Hắn thường cười khề khề và khoe với tôi trong những cơn say, rằng hắn đã làm tình được với cả hai em…( Thành phố cấm). Rồi Hạnh “ nhạc sĩ”( Đêm ấy thế mà vui)- nhăn nhó giọng xót xa, nước mắt ứa ra hai hàng- Ông chả hiểu gì tôi. Ông có biết vì sao lúc nào tôi cũng đàn hát không ? Để tự đánh lừa mình đấy ông ạ! Tôi tan cửa nát nhà ông có biết không? Cuối cùng, trong một câu chuyện rất trữ tình, lãng mạn, và cũng hết sức trong sáng ( Tuyết đầu mùa), bằng một bút pháp thiên về miêu tả, phân tích tâm lý nhẹ nhàng, tinh tế; Văn Vinh đã kể lại mối tình thầm kín, thanh sạch, cao thượng giữa Nam và cô gái Nga Galia ( vợ Xécgây, người bạn và là thầy dậy nghề cho Nam)– Nam ơi! Em đã yêu anh… Nam thấy mặt đỏ ran, gáy nóng bừng…Những bông tuyết đầu mùa mới mong manh yếu ớt làm sao.
Trở lên trên, chúng ta đã điểm qua 9 nhân vật chính, trong 9 truyện ngắn của Văn Vinh ( trong đó có 8 truyện là bối cảnh của nước Nga). Nhưng chung quanh họ, là hàng chục nhân vật phụ khác; đã đan xen, làm nền, làm bối cảnh, làm đối chứng, làm chất men kết dính các số phận mỗi con người lại với nhau; một cách sống động, rõ nét, cụ thể, nhưng cũng thật là lung linh, mờ ảo…qua một ngòi bút vững tay nghề, giàu cảm xúc và đầy suy nghĩ của Văn Vinh. Cũng trong tập Tây Hồ nổi sóng này, Văn Vinh đã tuyển chọn 11 truyện ngắn viết trong khoảng 10 năm( 1995-2005). Đây vẫn là những mảng đề tài quen thuộc của anh về quê hương, về con người- qua con mắt một nhà văn đã từng là thầy giáo dậy văn trên quê mình là vùng Bưởi, Hà Nội. Đó là tình làng, nghĩa xóm ( Tình quê); tình cảm của ông bà, chồng vợ, con cái, anh chị em (Tây Hồ nổi sóng, Giọt nắng cuối cùng, Chị Xuyến, Lá bánh); đạo thầy trò ( Chữ máu), tình bạn, tình yêu ( Anh và em, Em tôi, Một nấm mồ); cũng như mối quan hệ xã hội, cơ quan nhà nước ( Dạ Quỳnh, Một vụ “Oatơghết)…trong bối cảnh đất nước ta đang trên con đường đổi mới. Mỗi truyện ngắn của Văn Vinh, như là một vở diễn thu nhỏ của sân khấu- có mâu thuẫn, có xung đột, có thắt nút, cởi nút; đầy kịch tính, bất ngờ; có cả hỷ, nộ, ái, ố; cả bi và hài. Nhưng chung quy lại, anh muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp này- gia đình là rường cột của xã hội; với nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; với công, dung, ngôn, hạnh- đó cũng chính là những nét đẹp của văn hoá dân tộc, mà nếu ta không gìn giữ, bảo vệ; thì trên con đường hội nhập- ta không còn là ta nữa; và như thế, cho dù giàu có, thừa thãi của cải bao nhiêu – cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi!
Khép lại những “ vở diễn” ấn tượng trong Tây Hồ nổi sóng của Văn Vinh; ta thấy một niềm vui nhỏ nhoi, nhưng có thật; một nỗi buồn đắng cay, ám ảnh nhưng không u tối; một tiếng thở dài xót xa, day dứt nhưng thanh sạch; và một niềm tin chói sáng- đó chính là ước mơ, khát vọng luôn vươn tới của con người- để mỗi ngày qua đi, lòng ta thêm thanh thản; để sóng nước Tây Hồ mãi mãi được bình yên…